Một số vấn đề học đường mà học sinh tiểu học hay gặp
Không phải chỉ riêng học sinh tiểu học mà tất cả học sinh, sinh viên của mọi lứa tuổi đều có khả năng gặp phải những vấn đề tâm lý học đường. Tâm lý học đường là những áp lực tâm lý, những rối loạn hành động, suy nghĩ, tâm trạng mắc phải khi các em vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Những vấn đề tâm lý này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ yếu là do tâm lý tuổi mới lớn của các em, chưa biết điều chỉnh hành vi và suy nghĩ của bản thân, hành động theo cảm tính. Vì muốn thể hiện với bạn khác giới mà các em gây ra những hành động nông nổi, bồng bột. Hoặc cũng có thể do những áp lực tâm lý từ thầy cô, gia đình và bạn bè. Nhiều bố mẹ đặt kỳ vọng lên con quá nhiều, điều này có ảnh hưởng tích cực đó là nó sẽ là một động lực để con cố gắng và phát huy hơn nữa nhưng cũng gây ra tác động tiêu cực là khiến cho con có cảm giác áp lực, căng thẳng và mệt mỏi.
Học sinh tiểu học cũng thường xuyên gặp phải áp lực dù các em còn rất nhỏ. Cũng chính bởi vì nhỏ mà bố mẹ có suy nghĩ dễ rèn luyện, dễ dạy bảo nên phải có quy định ngay từ bây giờ. Nhưng điều đó vô tình khiến các em cảm thấy mệt mỏi và chán nản, học tập dù cố gắng miệt mài nhưng vẫn không đạt kết quả cao bởi khó tập trung. Quá chú tâm vào học tập để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ mà nhiều em bỏ lỡ tuổi thơ, ít giao lưu với bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng các bạn nên dẫn đến tự kỷ, trầm cảm. Kết quả cuối cùng là nhiều học sinh tiểu học mà đã nghĩ đến việc tự tử để được giải thoát. Do vậy, mỗi chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh tiểu học.
Tư vấn tâm lý cho học sinh tiểu học có cần thiết hay không
Tư vấn tâm lý cho học sinh tiểu học là sự tương tác, tư vấn, can thiệp của cán bộ giáo viên nhà trường, của phụ huynh học sinh nhằm giúp hỗ trợ các em, các con của mình có thể có những định hướng, hướng đi đúng đắn trong quá trình học tập, trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè và thầy cô. Nhưng sự can thiệp này cũng chỉ dừng ở mức độ vừa phải, chỉ khi nào cần thiết và vẫn phải đảm bảo cho con có sự riêng tư, không gian riêng của con, để con được thỏa sức theo đuổi đam mê và hoài bão. Can thiệp nhưng không áp đặt con làm theo ý của mình, không ép buộc con.
Nhiều phụ huynh cho rằng tư vấn tâm lý học sinh tiểu học là chưa cần thiết bởi chúng còn quá nhỏ, chúng vẫn chưa có hiểu biết và chưa nhận thức đầy đủ. Nhưng chính vì thế, các em mới cần có người hỗ trợ, bên cạnh các em, giúp các em phát triển đầy đủ và toàn diện hơn. Hơn thế nữa, đây là một độ tuổi đang bắt đầu phát triển, các em rất dễ nhận thức và tiếp thu. Chỉ cần có người định hướng đúng đắn sẽ giúp các em rất nhiều trong việc hoàn thiện và phát triển bản thân.Vì thế, việc tư vấn tâm lý học sinh tiểu học là rất cần thiết và không nên chậm trễ, trì hoãn với bất cứ lý do nào.
Nên cho con đến gặp bác sĩ tâm lý hay chưa?
Một số phụ huynh không muốn cho con đến gặp bác sĩ tâm lý khi phát hiện con có những biểu hiện lạ bởi họ sợ rằng con mình còn quá nhỏ, chúng sẽ sợ hãi, chúng không nên đến những nơi như bệnh viện, phòng khám. Xuất phát từ tình mẫu tử thiêng liêng, suy nghĩ này có phần đúng đắn bởi cha mẹ nào chẳng yêu thương con. Thế nhưng đứng trước lựa chọn con sẽ nhanh chóng hồi phục và phát triển bình thường với việc giữ con ở nhà, chúng tôi khuyên bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý.