KẾ HOẠCH CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG
Năm học: 2020-2021
I/ Mục đích - yêu cầu:
1/ Mục đích:
- Định hướng giáo dục cho học sinh có khó khăn về tâm lý, tình cảm, những bức xúc của lứa tuổi, những vướng mắc trong học tập, sinh hoạt,…hoặc những khó khăn học sinh gặp phải trong quá trình học tập và sinh hoạt. Góp phần ổn định đời sống tâm hồn, tình cảm và giúp học sinh thực hiện được nguyện vọng và ước mơ của mình.
- Phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp kịp thời, có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra ; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.
- Hỗ trợ và đưa ra các giải pháp nhằm giúp học sinh rèn kỹ năng sống ; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe, thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
2/ Yêu cầu:
Phải am hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh, phải luôn tôn trọng học sinh, lắng nghe học sinh, phải tạo được niềm tin ở học sinh để việc tư vấn có hiệu quả. Trong quá trình tư vấn giáo viên tư vấn cần giữ bí mật những vấn đề có tính nhạy cảm của học sinh, cha mẹ học sinh để tránh sự mặc cảm của các đối tượng được tư vấn.
Thường xuyên trao đổi thông tin về học sinh để nắm bắt đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và hoàn cảnh của gia đình tác động của những thay đổi đối với học sinh; phát hiện và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với những biểu hiện bất thường của học sinh.
II. Nhân sự tổ tư vấn:
Gồm : Đại diện lãnh đạo nhà trường, đại diện tổ chuyên môn, Tổng phụ trách đội, Bí thư chi đoàn, cán bộ y tế, đại diện Ban chỉ huy liên đội, các chi đội trưởng và lớp nhi đồng.
III. Nội dung tư vấn.
Nội dung tư vấn tập trung vào các vấn đề sau:
- Tư vấn về hiện tượng bạo lực học đường, bạo lực gia đình.
- Tư vấn về học sinh có hoàn cảnh đăc biệt khó khăn có nguy cơ bỏ học.
- Tư vấn về một số hành vi lệch chuẩn như: Chưa trung thực với bố mẹ, thầy cô, trốn học đi chơi.
- Tư vấn những vấn đề thầm kín tuổi dậy thì.
- Tư vấn về phòng tránh tai nạn đối nước, an toàn giao thông, …
- Tư vấn về cách phòng tránh các bệnh theo mùa.
IV. Giải pháp thực hiện.
1. Công tác tuyên truyền, chỉ đạo, triển khai:
- Triển khai, tuyên truyền Thông tư 31/2017/TT- BGD ĐT ngày 18/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan công tác tư vấn đến địa phương, phụ huynh học sinh và học sinh được biết để phối hợp.
- Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Công khai trên Website của nhà trường về thông tin các thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường và thời gian tư vấn trong tuần để phụ huynh, học sinh biết, trao đổi khi cần thiết.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đến toàn thể CB, GV, NV và HS, PH được biết.
2. Tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh:
- Các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường phát động nhiều phong trào, cách làm hay, gương người tốt – việc tốt để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, thông qua đó giúp cho nhà trường can thiệp kịp thời những học sinh có vấn đề về tâm lí.
- Tiếp tục đổi mới công tác chủ nhiệm trong việc quan tâm tới những biến đổi về tâm sinh lí học sinh nhằm phối hợp với Tổ tư vấn tâm lý để giúp đỡ và điều chỉnh kịp thời.
- Thông qua các buổi ngoại khóa, các tiết chào cờ đầu tuần để tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo dục kĩ năng nhằm giải tỏa những áp lực trong học sinh.
- Giáo viên quan tâm công tác tự học tự bồi dưỡng để có khả năng giải đáp, tư vấn học sinh theo các nội dung trên, chủ yếu đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải toả được về mặt tinh thần, làm cho các em cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực.
3. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý học đường:
- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho học sinh.
- Do chưa có giáo viên chuyên trách làm công tác tư vấn, các thành viên của tổ tư vấn phải phối hợp cùng với giáo viên chủ nhiệm, các thành viên trong tổ tư vấn… để thực hiện công tác tư vấn cho học sinh.
- Nhà trường bố trí phòng tư vấn tâm lý (sử dụng góc thư viện xanh của nhà trường), trang trí thân thiện, để phục vụ cho công tác tư vấn nhằm đảm bảo tư vấn, kín đáo và theo tâm lí học sinh.
- Các hoạt động, hình thức tư vấn sẽ được tổ chức xen kẽ tùy theo thời điểm, nhu cầu của học sinh. Quan tâm thực hiện đảm bảo quy trình tư vấn tâm lý học đường.
- Đảm bảo mục tiêu tư vấn tâm lý học đường:
+ Lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn tâm lý của học sinh.
+ Gợi mở nhận thức và hướng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.
+ Động viên tinh thần để học sinh giải quyết hiệu quả khó khăn của bản thân mình.
+ Tạo bầu không khí thoải mái, vui vẻ sau những giờ học căng thẳng.
+ Chia sẻ, giải tỏa những bức xúc, khó khăn tâm lý do học tập và cuộc sống mang lại.
+ Định hướng lại nhận thức, duy trì tinh thần, thái độ sống tích cực.
V. Hình thức tư vấn.
- Tư vấn trực tiếp tại lớp học cuối buổi học.
- Tư vấn thông qua các buổi chào cờ đầu tuần và hoạt động ngoại khóa.
- Tư vấn trao đổi với phụ huynh tại gia đình, liên lạc qua điện thoại.
VI. Tổ chức thực hiện.
1. Hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đến toàn thể CB, GV, NV, HS và phụ huynh. Tuyên truyền đầy đủ các văn bản chỉ đạo có liên quan.
2. Nhiệm vụ các thành viên tổ tư vấn:
- Tiếp nhận ý kiến học sinh từ hộp thư “Những điều em muốn nói” có ở các lớp, hộp thư góp ý của nhà trường và ý kiến trực tiếp từ học sinh, hoặc thông qua giáo viên, phụ huynh giới thiệu.
- Phụ trách việc tổ chức tư vấn cho học sinh dưới cờ hàng tuần về những vấn đề chung mà xã hội và học sinh đang quan tâm.
- Phối hợp chặt chẽ với GVCN, tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn, giáo viên bộ môn và các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường khi triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.
3. Toàn thể Cán bộ, giáo viên, nhân viên có trách nhiệm trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục có liên quan đến công tác tư vấn tâm lý, đảm bảo công tác phối hợp trong thực hiện kế hoạch. Thường xuyên trao đổi thông tin về học sinh để phát hiện và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với những biểu hiện bất thường của học sinh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, nhà trường sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
TỔ TRƯỞNG TƯ VẤN