(HNM) - Ngay sau lễ ra quân phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa (ngày 9-6-2019) đến nay, các đơn vị, địa phương của thành phố Hà Nội đã thực hiện khá hiệu quả việc hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều nơi tích cực thực hiện, tại một số điểm công cộng như chợ, bến xe, hàng ăn… người dân khá thờ ơ, rác thải nhựa vẫn xuất hiện tràn lan.
Nhiều mô hình hay
Thời gian qua, tại Trường Tiểu học Phương
Liệt (quận Thanh Xuân), sự lan tỏa “Phong trào chống rác thải nhựa” được
thể hiện từ chính những bàn tay bé nhỏ của các em học sinh. Cô giáo
Phạm Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ ngày 6-1-2020, mỗi
lớp học nhận nhiệm vụ quản lý một "Công trình măng non", nhắc nhở các
bạn cho rác thải nhựa vào một "Ngôi nhà nhỏ". Sau đó, giáo viên và học
sinh phân loại để xử lý một cách hiệu quả nhất.
Mô hình trên hiện cũng được triển khai tại
nhiều trường tiểu học như: Thanh Xuân Trung, Hạ Đình (quận Thanh Xuân);
Phú Đô, Phú Diễn (quận Nam Từ Liêm)... Cũng tại đây, học sinh dần sử
dụng các sản phẩm ống hút inox để thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm
nhựa dùng một lần.
Phong trào chống rác thải nhựa cũng lan
tỏa tới hội viên phụ nữ phường Việt Hưng (quận Long Biên) bằng việc làm
thiết thực là biến lịch cũ, bìa tạp chí... thành túi giấy. Bà Lê Thị
Chương, hội viên Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng chia
sẻ: "Ngoài việc sử dụng trong gia đình, chúng tôi làm túi giấy gửi tặng
các hộ kinh doanh hàng khô tại chợ dân sinh, cửa hàng kinh doanh". Chủ
tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Việt Hưng Trần Thị Thái Hà cho biết: Sự
thành công của mô hình biến lịch cũ, bìa tạp chí... thành túi giấy đựng
thực phẩm khô, thay thế túi ni lông có sự tham gia rất tích cực của
từng hội viên.
Ngoài ra, mô hình “Tổ ngành hàng nói không
với túi ni lông" cũng được thực hiện rất hiệu quả tại chợ Ngọc Hà (quận
Ba Đình). Từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ngọc Hà
đã hỗ trợ các tiểu thương trên 7.500 các loại túi giấy do hội viên gấp.
Để phong trào được lan tỏa là nhờ có sự
vào cuộc và gương mẫu thực hiện của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống
chính trị thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, thu được nhiều kết quả
tích cực, qua đó vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Đơn cử như, cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hạn chế đến
80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Theo Trưởng phòng Thẩm định và Đánh
giá tác động môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi
trường Hà Nội) Nguyễn Thị Hưởng, phát huy kết quả đã đạt được, từ nay
đến cuối năm 2020, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai
thí điểm mô hình phân loại rác thải và tuyên truyền vận động hạn chế sử
dụng rác thải nhựa tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên
địa bàn thành phố.
... nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa tốt
Bên cạnh những mô hình, cách làm hay đang
lan tỏa trong cộng đồng, vẫn còn nhiều nơi như quán cơm bình dân, hàng
ăn... trên địa bàn Hà Nội sử dụng sản phẩm nhựa thiếu kiểm soát. Có thể
kể đến như ở một số quán ăn trước cổng ký túc xá Mễ Trì, cổng Trường Đại
học Công nghiệp, Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình… người bán vẫn vô tư
cho nước canh nóng vào túi ni lông để khách mang về. Các hộp nhựa dùng
một lần vẫn được sử dụng tại các hàng ăn này.
Còn tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy),
khoảng 9h ngày 21-6 là hình ảnh nhiều người nội trợ lỉnh kỉnh trên tay
túi ni lông chất đầy thực phẩm. Ở nhà A17 Nghĩa Tân, một người bán dưa,
cà muối có nhiều lọ đựng bằng nhựa loại lớn để trên mặt bàn, bên cạnh là
một xấp túi ni lông treo sẵn để đựng đồ... Tình trạng tương tự cũng xảy
ra tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy). Chị Nguyễn Thị Hằng, một người bán
cua tại chợ Đồng Xa cho hay: “Tôi có dùng ni lông sinh học để phục vụ
khách nhưng nhiều người nói túi mỏng, không có quai xách, nên tôi buộc
phải dùng túi ni lông thường”.
Liên quan đến tình trạng trên, Phó Giám
đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin: Bên cạnh phối
hợp đẩy mạnh tuyên truyền, trong năm 2020, Sở tổ chức hội nghị kết nối 3
bên, gồm nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà phân phối để đưa ra các sản
phẩm sinh học thay thế phù hợp. Mục tiêu phấn đấu đến ngày 31-12-2020 sẽ
giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh...
Nhằm hạn chế thấp nhất sử dụng rác thải
nhựa trong cộng đồng, bà Nguyễn Thị Hưởng cho biết: Sở Tài nguyên và Môi
trường Hà Nội sẽ tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành đưa ra chế
tài xử phạt, tăng cường công cụ kinh tế về phí, hỗ trợ sản xuất sản phẩm
thay thế... Ngoài ra, Sở sẽ thực hiện điều tra tình hình hoạt động sản
xuất của các nhà máy, cơ sở sản xuất nhựa, túi ni lông khó phân hủy để
làm cơ sở đánh giá hiện trạng; đề xuất đưa các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào
khu, cụm công nghiệp, chấm dứt sự tồn tại của các cơ sở tự phát.