Tết Trung thu là một nét đẹp văn hóa trong truyền thống dân tộc Việt Nam. Hàng năm cứ đến Rằm tháng tám âm lịch, các em thiếu niên và nhi đồng trong cả nước lại được vui chơi và ca hát dưới ánh trăng rằm của mùa thu.
Ngày hôm nay, không khí trung thu đã và đang rộn ràng trên khắp cả nước. Các bạn nhỏ vô cùng háo hức mong được phá cỗ trông trăng với ánh đèn lồng, bánh dẻo bánh nướng, xem múa lân và chơi những trò chơi dân gian thú vị … Nhằm mang lại niềm vui, đầy ắp tiếng cười cho mùa trung thu thêm ý nghĩa, ban thiếu niên trường Tiểu học Phương Liệt đã tổ chức chương trình “Vui Tết trung thu” đầy màu sắc với nhiều hoạt động trải nghiệm lôi cuốn và hấp dẫn.
Tương truyền rằng việc múa lân trong dịp lễ Tết Trung thu là tập tục bắt nguồn từ sự tích Phật Di Lặc hạ phàm chế ngự lân bảo vệ dân lành. Ta vẫn thường thấy trong màn trình diễn múa lân có một ông bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa, người ta hay gọi đó là ông Địa, đó chính là Đức Phật Di Lặc hoá thân thành để chế ngự con lân. Truyền thuyết kể vào thuở khai thiên lập địa, Lân là một con thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người và năm nào cũng xuất hiện phá phách vào mỗi dịp tết Trung Thu. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho nó ăn và thu phục được nó, biến nó thành con thú hiền lành không còn quậy phá dân lành và chỉ biết ăn thực vật. Kể từ đó, hằng năm ông Địa lại dẫn lân đi vui Tết trung thu cùng mọi người và ban phước lành, may mắn, ấm no đến cho mọi nhà. Lân xuất hiện ở đâu thì ở đó tà ma bị loại trừ, nhân dân hạnh phúc, ấm no…
60060