Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, thời gian qua, 19/19 trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân đã tổ chức cho học sinh khối lớp 7, 8, 9 quay trở lại trường học trực tiếp. Để đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học, Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo các trường học rà soát, nâng cấp đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin của từng lớp học như: đường truyền Internet - wifi, hệ thống mạng Lan kết nối ổn định, tốc độ cao; máy tính, máy chiếu (tivi thông minh, màn chiếu thông minh...); hệ thống loa, micro, camera, phần mềm dạy học trực tuyến có bản quyền...
Lớp học trực tiếp - trực tuyến tại trường THCS Thanh Xuân Trung
Bên cạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, các nhà trường đã thành lập tổ công tác hỗ trợ dạy học trực tiếp - trực tuyến, triển khai tập huấn về cách thức vận hành, khai thác hiệu quả, sử dụng an toàn hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Cùng với việc tổ chức tốt các lớp học truyền thống (giáo viên và học sinh đều tham gia trực tiếp tại trường) còn có nhiều tình huống xảy ra đòi hỏi nhà trường phải thích ứng linh hoạt, chủ động. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích, nghiên cứu kỹ các tình huống xảy ra trong thực tiễn dạy học, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với trường hợp giáo viên diện F1, F0 phải thực hiện cách ly tại nhà nhưng vẫn có đủ sức khỏe, tự nguyện tham gia dạy học. Từ đó, Phòng GD&ĐT quận xác định các nhà trường phải thay đổi căn bản, sâu sắc, toàn diện phương án tổ chức dạy học trong tình hình mới.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong công tác dạy và học, cô giáo Trịnh Hồng Vân - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Trung cho biết, trong quá trình tổ chức dạy học khi học sinh quay trở lại trường, bên cạnh việc tổ chức các lớp học truyền thống, giáo viên và học sinh đều tham gia trực tiếp tại trường còn có nhiều tình huống xảy ra đòi hỏi nhà trường phải thích ứng linh hoạt, chủ động.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất, đó là giáo viên dạy trực tiếp, học sinh học trực tiếp; đồng thời có một số học sinh diện F1, F0 có đủ sức khoẻ học trực tuyến tại nhà. Trường hợp thứ 2, đó là giáo viên diện F1, F0 có đủ sức khoẻ dạy trực tuyến tại nhà, học sinh trực tiếp tại lớp. Trường hợp thứ 3, đó là giáo viên diện F1, F0 có đủ sức khoẻ dạy trực tuyến tại nhà, học sinh trực tiếp tại lớp, đồng thời có một số học sinh diện F1, F0 có đủ sức khoẻ học trực tuyến tại nhà...
Với mục tiêu giúp các nhà trường chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, để đảm bảo quyền lợi được đến trường học trực tiếp của học sinh, các trường phải tập trung đầu tư trang thiết bị; trong đó có hệ thống loa, micro đảm bảo chất lượng, camera quay được hình ảnh toàn bộ lớp học để mỗi phòng học là 1 lớp học trực tiếp/trực tuyến. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh xây dựng phương án tổ chức dạy học.
Đối với trường hợp giáo viên vì lý do dịch tễ, tự nguyện dạy trực tuyến tại nhà, nhà trường phải bố trí giáo viên quản lý, hỗ trợ học sinh học trực tiếp tại lớp. Đồng thời, tận dụng “thời gian vàng” để rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học để bổ sung kiến thức cho học sinh. Việc tổ chức hiệu quả, linh hoạt các lớp học trực tiếp - trực tuyến là một trong những nội dung của Đề án “Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của ngành GD&ĐT quận Thanh Xuân”.
Cùng với việc tổ chức học trực tiếp cho học sinh khối 7, 8, 9, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường khi TP cho phép.