Nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy phòng chống đuối nước trẻ em, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra, nhất là tại các quận, huyện có tỷ lệ tử vong cao do đuối nước.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối, nhất là vào những tháng nghỉ hè, tỷ lệ trẻ chết đuối càng tăng cao. Nhằm giảm tình trạng trẻ bị đuối nước, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em.
Tại quận Thanh Xuân, năm 2016 này bắt đầu thực hiện Đề án Phát triển giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2020; trong đó có yêu cầu học sinh Tiểu học khi ra trường phải có chứng chỉ biết bơi. Nhiều phụ huynh đồng tình với chủ trương này, ủng hộ cho con đi học bơi và cho rằng, nếu các cháu biết bơi sớm, bố mẹ cũng yên tâm hơn khi chẳng may gặp trường hợp nguy hiểm sẽ tự biết bảo vệ bản thân, nhất là vào dịp nghỉ hè trẻ đi chơi, du lịch hoặc về quê có nhiều ao, hồ.
Trẻ đi học bơi sẽ rèn luyện sức khoẻ, có thêm một kỹ năng trong cuộc sống, tự tin hoà nhập với môi trường tập thể, với cộng đồng, và quan trọng hơn là giảm bớt xem tivi và chơi điện tử ở điện thoại, laptop, ipad...
Để thực hiện Đề án, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân yêu cầu các trường Tiểu học trên địa bàn rà soát số học sinh lớp 4, lớp 5 chưa biết bơi, xây dựng phương án tổ chức dạy bơi phù hợp; phấn đấu học sinh lớp 5 hoàn thành việc học bơi trước ngày 31/5/2016. UBND quận phối hợp với các trung tâm thể thao, doanh nghiệp có bể bơi hỗ trợ các trường miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh. Nhà trường và phụ huynh trả phần kinh phí đi lại và tiền dạy của giáo viên.
Nếu trường học nào xa không gần bể bơi, quận sẽ hỗ trợ lắp bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy. Một khóa bơi thời gian tối đa là từ 10 đến 12 ngày, mỗi buổi 1 giờ. Sau khi hoàn thành khóa học, học sinh biết bơi 25 mét và đúng kỹ thuật.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, năm học 2015-2016, toàn quận có 3.205 học sinh lớp 5, trong đó có trên 1.200 học sinh biết bơi, còn lại khoảng 2.000 học sinh chưa biết bơi.
Với mục tiêu tất cả học sinh lớp 5 trong năm học này đều biết bơi, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiểu học bố trí thời gian dạy hợp lý; tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đi học để có chứng chỉ bơi. Phòng giáo dục và đào tạo quận khẳng định, những học sinh nào chưa kịp có chứng chỉ học bơi cũng không ảnh hưởng tới việc xét hồ sơ học bạ của học sinh khi lên lớp trên...
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết: “Xuất phát từ thực tiễn có rất nhiều hoàn cảnh éo le chỉ vì một sơ xuất nhỏ mà có nhiều trường hợp đáng tiếc là trẻ em đã bị đuối nước. Quận Thanh Xuân xác định nhiệm vụ trọng tâm trang bị cho các con kỹ thuật bơi đảm bảo theo đúng yêu cầu không những biết bơi mà còn bơi được 25m. Đó là phòng vệ cho bản thân trong tất cả các tình huống tiếp xúc với nước để đảm bảo an toàn. Dạy bơi bước đầu còn nhiều khó khăn, quận ủng hộ về kinh phí cho học sinh đăng ký học bơi là 30% từ nguồn ngân sách quận”.
Quận Thanh Xuân không phải là địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội triển khai dạy bơi cho học sinh tiểu học. Trước đó, huyện Thanh Trì và quận Cầu Giấy đã phổ cập bơi cho học sinh tiểu học nên dù trên địa bàn có nhiều ao, hồ, nhưng vài năm trở lại đây, gần như không có học sinh nào bị đuối nước.
Từ thành công của một số địa phương trong đề án dạy bơi cho học sinh Tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang cố gắng để nhân rộng ở nhiều quận, huyện khác trong toàn thành phố. Hàng năm, Sở phối hợp với các trung tâm thể thao mở các lớp tập huấn cho từ 150 đến 200 giáo viên và học sinh ở các trường về học bơi miễn phí và cách phòng chống đuối nước.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Sở đã ra kế hoạch gửi đến 30 phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện, hướng dẫn tùy từng điều kiện của địa phương tập trung tăng cường hướng dẫn cho học sinh trong việc phòng chống tai nạn do đuối nước. Trong đó lưu ý rằng, thực hiện Đề án phổ cập bơi bao gồm cả việc dạy bơi cho học sinh và dạy các kỹ năng khi tiếp xúc với nước. Mục tiêu của đề án dạy bơi là nhằm giảm thiệt hại về nhân mạng.
Ở mỗi phòng giáo dục và đào tạo có những phòng như huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân, Cầu Giấy có giải pháp hay kêu gọi sự tài trợ, xã hội hóa để hỗ trợ việc dạy bơi cho học sinh.
Biết bơi là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, trước tiên là để bảo vệ tính mạng của chính mình, rồi đến các mục đích khác như rèn luyện sức khoẻ, giải trí...
Trong cuộc đời không ai dám chắc, biết trước là không có sự cố xảy ra, chẳng may đơn giản trong một hoàn cảnh nào đó, bị ngã xuống nước, dù là một hố nước, nếu trẻ không biết bơi sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng. Vì vậy, biết bơi sẽ giúp các em tránh được nhiều rủi ro khi tham gia vui chơi, đi du lịch.
Tác giả: VTV.vn