Mỗi cô giáo, thầy giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành nhà giáo tốt, nhà giáo mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng. Điều đó hoàn toàn đúng với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Điệp – Tổ trưởng tổ 2 Trường Tiểu học Phương Liệt –Thanh Xuân.
Cô Nguyễn Thị Hồng Điệp trong ngày khai giảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nghề Nhà giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang”. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Đặc biệt, Người đã khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Đó là cái tâm trong sáng và cao thượng của các nhà giáo.
Sau những ngày tháng được làm việc cùng, chị tiếp tục để lại cho tôi sự nể phục trong cả công việc và cuộc sống giao tiếp hằng ngày. Vốn là tổ trưởng nên chị luôn sát sao đến các hoạt động dạy và học của từng thành viên trong tổ. Là một người có tính cách điềm đạm nhưng chị rất nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với công việc. Trên cương vị của mình, chị rất rõ ràng trong phân công nhiệm vụ song cũng luôn gắn kết các thành viên trong tổ. Chị thường xuyên chia sẻ những phương pháp giảng dạy tối ưu nhất mà bản thân chị đúc rút được trong quá trình giảng dạy. Đặc biệt là sau mỗi tiết dự giờ giáo viên, chị góp ý rất thẳng thắn, chân thành, mang tính xây dựng để giáo viên rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó góp phần đưa chất lượng giáo dục của tổ 2 nói riêng và Trường Tiểu học Phương Liệt nói chung không ngừng đi lên. Ngoài công việc giảng dạy trên lớp chị cũng luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư, tình cảm của các đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ khi đồng nghiệp gặp khó khăn. Nhờ có một tổ trưởng tuyệt vời như chị, tổ 2 chúng tôi luôn đoàn kết và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của nhà trường đề ra.
Khối 2 đạt giải Nhất mâm cỗ trong ngày Tết Trung thu
Với đức tính giản dị, ham học hỏi, nên chị thường không tự bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Vốn là một giáo viên nhiều tuổi song chị vẫn luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người giáo viên nhân dân, nỗ lực không ngừng học tập trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để có những bài giảng hay, phương pháp tốt nhằm truyền dạy cho học trò những kiến thức về văn hoá và cả những kĩ năng sống rất hữu ích. Đặc biệt trong thời gian nghỉ dịch Covdi 19 chị cũng đã mầy mò, học hỏi ứng dụng công nghệ Zoom và quizizz.com, google classroom, olm vào dạy học trực tuyến cho học sinh đỡ quên kiến thức.
Cô Nguyễn Thị Hồng Điệp dạy học online
Chị còn luôn thân thiện, gần gũi với học trò, coi học trò như là những đứa con của mình để hiểu và có những biện pháp nhắc nhở, chỉ bảo khiến cho tôi và đồng nghiệp luôn tâm phục. Chính những phẩm chất tuyệt vời đó khiến chị luôn tạo được niềm tin yêu, kính trọng của phụ huynh và các em học sinh.
Không chỉ chuyên môn giỏi, chị còn là một cô chủ nhiệm - người mẹ hiền thứ hai của các con lớp 2A6 - lớp năm nay chị chủ nhiệm. Bằng tình yêu thương, sự tận tụy và lòng kiên nhẫn, chị đã dẫn dắt tập thể lớp 2A6 vốn có khá nhiều học sinh hiếu động thành một tập thể nề nếp, biết đoàn kết yêu thương, phấn đấu học tập.
Không chỉ giỏi việc trường, tích cực tham gia công tác xã hội, chị Điệp còn là một người con hiếu thảo, người vợ hiền, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Trong mấy năm liền, gần như chỉ có một mình chị chăm sóc, đỡ đần bố mẹ đẻ liên tục ốm đau, bệnh trọng qua đời. Dù vất vả nhưng hầu như chưa ai thấy chị có một lời than vãn.
Chị Điệp với hơn 30 năm công tác trong nghề đã đóng góp cho sự nghiệp trồng người không biết bao nhiêu thế hệ học sinh ưu tú. Với những đóng góp không mệt mỏi đó, chị đã được UBND Quận Thanh Xuân tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Giáo viên dạy giỏi, Lao động Tiên tiến. Với bản thân tôi và các bạn đồng nghiệp, chị tổ trưởng Nguyễn Thị Hồng Điệp luôn là tấm gương sáng cho thế hệ giáo viên chúng tôi noi gương và học hỏi.
Người viết
Đinh Thị Vân Hoài