GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG BÁNH DÀY
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam thì “ truyện đời xưa” hay là “ truyện cổ tích” luôn đứng ở vị trí quan trọng nhất. Qua các câu truyện kể dân gian thì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và ước mơ của con người được phản ánh chân thực và bình dị nhất.
Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà dân tộc Việt nam đó là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng xanh? Vì sao bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy? Cô sẽ giới thiệu với các em qua cuốn sách “ Tục xưa nếp cũ – Bánh chưng, bánh dày và những truyện cổ tích khác” do NXB Kim Đồng xuất bản năm 2014. Cuốn sách khổ 16 x 24cm được in trên giấy cứng dày với những hình ảnh màu sắc đẹp mắt.
Vua Hùng thứ 6 có 22 người con trai. Tất cả đều thông minh, văn hay võ giỏi. Trong đó chỉ có hoàng từ thứ 18 là Lang Liêu chỉ thích trồng trọt.
Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua phán truyền “Đến ngày hội lớn đầu năm, ai dâng được của ngon vật lạ nhất để cúng trời đất sẽ được ta truyền ngôi cao”.
Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống viển tìm của ngon vật lạ. Riêng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng vua cha sản vật từ chính đồng quê của mình. Chàng cùng vợ con chăm sóc cho cánh đồng lúa quê hương. Đến vụ bội thu, chàng suy nghĩ tìm cách làm bánh rồi ngủ thiếp đi mất, trong giấc mơ chàng được 1 vị nữ thần báo mộng ý nghĩa và cách làm các bánh từ gạo nếp. Chàng cùng mọi người chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói thành 1 thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Mọi người cùng nhau dã gạo nếp giã nhuyễn và nặn thành 1 thứ bánh mịn màng, cẩn thận cho từng cái bánh.
Ngày hội lớn đầu năm đã đến, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Đến lượt mình mâm bánh của Lang Liêu trình lên, thấy lạ ai cũng xúm lại xem. Vua Hùng sau khi nêm thử và được nghe ý nghĩa của hai loại bánh. Ông chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh dày. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chung và giã bánh dày trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Để biết rõ hơn về “Sự tích bánh chưng bánh dày” các em hãy đến thư viện để tìm đọc nhé.
Hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách kỳ tới.
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
TÌNH CẢM GIA ĐÌNH
Truyện cổ tích Việt Nam mộc mạc, hiền lành và thẳng thắn như tính tình người Việt. Nơi đó có giấc mơ về một cuộc sống bình yên. Nơi đó giữ gìn, gói ghém những bài học cho con cháu mai sau. Không ai biết chính xác tác giả, không dám chắc thời gian ra đời của truyện, chỉ biết rằng, thế hệ này tiếp thế hệ kia cứ kể mãi nhau nghe những câu chuyện cổ nhưng không bao giờ cũ…Trong đó phải kể đến những câu chuyện về tình cảm gia đình.
Hôm nay cô sẽ giới thiệu với các con cuốn sách “Tình cảm gia đình” của nhiều tác giả. Cuốn sách do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2015. Với 2000 bản được in theo khổ 16x24cm, được trang trí bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu, màu sắc sặc sỡ rất phù hợp với lứa tuổi của các con.
Tình cảm gia đình là mối quan hệ máu thịt, thiêng liêng khó cắt nghĩa thành lời. Những chuyện xửa xưa cha ông kể lại, dẫu trải qua những bất trắc, phân li, tình yêu thương lại dẫn lối về ngày đoàn tụ, về mái ấm gia đình ấm êm có mẹ, có cha, có anh em, chồng vợ sum vầy. Cuốn sách này chọn lọc những câu chuyện hay nhất về tình cảm gia đình trong kho tàng truyện kể dân gian như: “Tìm mẹ”, “Truyện Trê Cóc”, “Ai mua hành tôi”, “Sọ Dừa”, “Sự tích con muỗi” để gửi đến bạn đọc.
Cô mong rằng qua buổi giới thiệu sách ngày hôm nay các con sẽ tìm đọc cuốn sách này. Hiện nay cuốn sách đang có mặt trong thư viện nhà trường cũng như trong tất cả các hiệu sách trên toàn quốc.
Cô chúc các con có những giờ đọc sách thú vị và bổ ích !
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
CA DAO TỤC NGỮ BẰNG TRANH: CÓ CHÍ THÌ NÊN
Các con yêu quý!
Trong văn học dân gian Việt Nam, ca dao tục ngữ chiếm 1 vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người lao động. Bời không ai khác, chính họ là tác giả của những câu văn vần vè dễ đọc, dễ nhớ được đúc rút từ kinh nghiệm lao động sản xuất, sự hòa đồng cùng thiên nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Có thể nói, ca dao tục ngữ Việt Nam mang đậm hồn quê của người Việt, ở đó nét đẹp trong lao động, trong quan hệ thủy chung với bạn bè, ân nghĩa với cha mẹ, xóm làng…được toát lên qua mỗi câu ca.
Hôm nay cô xin giới thiệu với các con cuốn sách “Ca dao tục ngữ bằng tranh: Có chí thì nên”. Cuốn sách do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2010, với khổ 12,5 x 20,5cm. Cuốn sách này nằm trong bộ sách Ca dao tục ngữ bằng tranh với 5 nội dung nổi bật đó là: Công cha nghĩa mẹ, Có chí thì nên, Đục nước béo cò, Được voi đòi tiên, Yêu vì nết. Mỗi nội dung được thể hiện bằng các cặp câu ca dao, tục ngữ được tuyển chọn từ kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam. Trong đó, mỗi cặp là 1 câu ca dao và tục ngữ hoặc 2 câu ca dao có ý nghĩa tương ứng nhau. Ví như: “Ai ơi chẳng chóng thì chầy
Có công mài sắt, có ngày nên kim”
hay như “Của Trời, Trời lại lấy đi
Giương hai mắt ếch làm chi được Trời”
Đan xen vào đó là những bức tranh nhiều màu sắc được các họa sĩ công phu trình bày trên giấy dó.Bằng sự cuốn hút của đường nét và màu sắc: bình yên mà không kém phần sôi động, rực rỡ mà không kém phần sâu lắng. Các họa sĩ đã góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp diệu kì của bộ sách ca dao tục ngữ bằng tranh. Bộ sách sẽ mang lại cho các con cảm giác thân thuộc như câu ca dao mà ta thường nghe bà hát ngày nào…
“Con cò bay bổng bay la,
Bay từ cửa miếu bay ra cánh đồng”
Qua buổi giới thiệu sách hôm nay, cô mong rằng các con sẽ tìm đọc cuốn sách này trong thư viện nhà trường và rút ra được những bài học quý giá từ kho tàng ca dao tục ngữ này.
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 1
MẸ ƠI CON SỢ ĐẾN TRƯỜNG
Các con học sinh thân mến!
Trẻ em là là tương lai, là niềm hi vọng của mỗi gia đình và toàn xã hội. Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có được tương lai hạnh phúc. Từ 6-12 tuổi là giai đoạn quan trọng tạo cho trẻ nền tảng hạnh phúc sau này. Hình thành thói quen tốt, xây dựng được lòng tin, bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm, nâng cao khả năng giao tiếp…là những điều kiện để giúp trẻ đối diện với mọi thách thức, khắc phục khó khăn và tìm kiếm thành công, mưu cầu hạnh phúc trong cuộc sống.
Chính vì vậy, hôm nay cô xin giới thiệu với các con cuốn sách “Mẹ ơi con sợ đến trường”của tác giả Tôn Thiếu Thu. Cuốn sách dày 299 trang, do nhà xuất bản Đại học Sư phạm phát hành năm 2015, được in theo khổ 16 x 23 cm.
Cuốn sách là 87 câu chuyện sinh động về những khó khăn thường gặp của học sinh Tiểu học như: Những vấn đề trong học tập, những vấn đề trong cuộc sống hay những vấn đề trong tâm lí. Và bên cạnh đó là những tư vấn để bố mẹ, thầy cô giúp trẻ thoát khỏi những khó khăn đó. Chẳng hạn như: Làm thế nào giúp trẻ nhanh chóng thích ngi với môi trường Tiểu học?, Trẻ luôn nghịch ngợm trong giờ học thì nên làm thế nào?,Bị thầy giáo xử oan thì nên làm thế nào?,Trẻ nói dối thì nên làm thế nào?Trẻ tự ti thì nên làm thế nào?.... Để hiểu rõ hơn về những khó khăn này cô mời các con tìm đọc cuốn sách “Mẹ ơi con sợ đến trường” trong thư viện nhà trường nhé!
Cô chúc các con có những giờ đọc sách bổ ích và lý thú!