Chúng ta có thể tự hào rằng “Dạy học là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Từ ngàn xưa, nhân dân ta đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thầy cô là những kỹ sư tâm hồn, suốt một đời thầm lặng như “người chở đò” đưa khách qua sông, đưa các thế hệ học sinh đến bờ bờ tri thức.
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Câu ca dao được lưu truyền từ xưa đến nay cho thấy vị trí vô cùng quan trọng của những người làm nghề dạy học. Họ là những “kĩ sư tâm hồn” không chỉ dạy văn hóa, cung cấp cho học sinh những kiến thức về các lĩnh vực tri thức khoa học mà còn dạy cho học trò chữ “Nhân”, để mỗi thế hệ học trò sẽ trở thành những người có nhân cách, biết sống, biết yêu thương và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Từ xa xưa cha ông ta đã từng nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Đó là tình, là đạo lí của người học trò đối với người thầy của mình và cũng là niềm tin, là sự thành kính từ sâu thẳm của các bậc cha mẹ đối với người thầy của con mình.
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu đến thầy cô và các em học sinh cuốn sách“Nghề sư phạm”. Do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, sách gồm 63 trang, in trên khổ 12x19cm.
Cuốn sách nằm trong bộ sách Nhất Nghệ Tinh, với kết cấu như một toa tàu, mỗi toa tàu là một nghề trong đoàn tàu hướng nghiệp, giúp các em có thể chủ động tìm hiểu về các ngành nghề đa dạng, phong phú trong xã hội. Và để hiểu rõ hơn về nghề giáo, một nghề mà tưởng chừng như quen thuộc, song còn bao điều có thể các bạn chưa biết, mời các bạn đến với Toa tàu số 3 Nghề Sư Phạm.
Đón bạn ở hàng ghế số 1 là người thầy vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam, đó là thầy giáo Chu Văn An. Nếu các em đã từng một lần đến Văn miếu Quốc Tử Giám, thì chắc hẳn chúng ta đã biết đây là trường đại học đầu tiên của nước ta và cũng là nơi mà thầy giáo Chu Văn An đã từng dạy học suốt mấy chục năm. Có những chuyện về thầy đã trở thành bài học về đạo thầy trò.
Truyện kể rằng, danh tiếng của thầy Chu Văn An vang xa tới mức hai con của thủy thần cũng tới xin học. Ngày tháng trôi qua, hai người ấy đã được thầy dạy cho cái chữ và đạo làm người. Rồi đến một năm, trời hạn hán kéo dài nhân dân lầm than. Theo nguyện vọng tha thiết của thầy Chu, người học trò và cũng là con trai thủy thần đã hóa phép làm mưa, dù biết rằng mình sẽ phải trả giá bằng cả mạng sống. Đất đai và vạn vật đang bị ánh mặt trời thiêu đốt gặp cơn mưa lập tức hồi sinh. Chỉ có điều nước mưa đen như mực, để lại vết tích là Đầm Mực. Câu chuyện cảm động ấy vẫn được kể từ đời này sang đời khác như một truyền thuyết bất diệt về lòng yêu thương nhân dân và về sức cảm hóa kì diệu của người thầy. Đâu dễ có nghề nào, ngoài nghề giáo, có thể làm nên sức lay động đến cả thần linh như thế.
Các em học sinh thân mến!
Tại những hàng ghế tiếp theo, các em sẽ được tìm hiểu sư phạm là gì? trong ngành sư phạm bạn sẽ làm gì? những lí do để bạn nên chọn nghề giáo hay những phẩm chất giúp bạn thành đạt trong nghề giáo?
Công ơn của các thầy, cô hôm qua, hôm nay và mãi mãi còn được khắc ghi trong trái tim của mỗi thế hệ học trò. Sự tâm huyết, lòng yêu thương cùng những bài học quý giá sẽ mãi mãi theo chân các em trên chuyến xe cuộc đời. Và chắc hẳn đã có rất nhiều em mơ ước sau này sẽ được đứng trên bục giảng, sẽ được chở những con đò tri thức như thầy cô của mình tới bao người ở những miền xa xôi khác.
"Đọc đi em những cuốn sách trên tay
Lúa xanh mượt cánh cò bay lả
Tổ quốc vút lên tầm cao rực rỡ
Cũng bắt đầu từ trang sách hôm nay"
Nếu dòng sông cứ mượt mà tuôn chảy, mang phù sa làm tươi tốt thêm ruộng đồng thì một cuốn sách hay làm tươi thắm thêm vẻ đẹp tâm hồn ở mỗi người đọc.
Hy vọng sau buổi giới thiệu sách hôm nay, các em hãy tìm và đọc cuốn sách ‘‘Nghề sư phạm’’ này nhé, để có thể cảm nhận hết những cái hay cái đẹp của mỗi câu chuyện về nghề nhà giáo. Và các em hãy ra sức phấn đấu học tập để hái thật nhiều những bông hoa điểm mười dâng tặng các thầy, cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.