Nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30 /4/ 2018 và kỷ niệm 135 năm ngày quốc tế lao động 1/5/1886 - 1/5/2018; Tiến đến kỷ niệm 128 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/ 1980 - 19/5/2018 Liên đội trường tiểu học Phương Liệt xin trân trọng kính giới thiệu đến tất cả các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh tập sách mang tựa đề: "Bác Hồ kính yêu của chúng em" của tác giả Trần Viết Lưu, do nhà xuất bản giáo dục phát hành vào năm 2007.
Mác- xim-góc- ki đã nói:
"Mây đen có thể che được ánh sáng mặt trời nhưng không thể che được ánh sáng của sách mang lại".
Mỗi một cuốn sách đều mang lại rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống không chỉ với người lớn với trẻ thơ, mỗi một cuốn sách là một thế giới bí ẩn khám phá nó ta sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống. Đọc sách là một thú vui lành mạnh, là công việc cần thiết trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh đến với học sinh đồng thời phát động phong trào đọc sách sâu rộng trong HS.
Đây là tập sách quý, được các nhà trường sử dụng làm tư liệu để giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ. Tập sách dày 96 trang, trang bìa là hình ảnh Bác Hồ với các bạn học sinh của các bậc học; sách có kích thước (20 x 15)cm, bìa màu hồng cánh sen.
- Bố cục tập sách có phần mở đầu
- Phần 1 và 2: Giới thiệu về: + Tuổi thơ và quê hương.
+Xứ Huế và những kỷ niệm đau buồn
- Phần 3 và 4: Giới thiệu về: - Quãng thời gian ra đi tìm đường cứu nước và 30 năm của một cuộc đời cách mạng.
- Phần 5 và 6: Giới thiệu về thời gian Bác trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, làm nên cách mạng tháng 8/1945, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.
- Phần 7: Lời Bác dặn trước lúc đi xa và thế giới nói về Người.
Tập sách đăng 41 câu chuyện nhỏ, bằng lối văn kể chuyện hấp dẫn, nhẹ nhàng mà tinh tế, tác giả đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp và những phẩm cách cao đẹp, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Người không chỉ là “danh nhân văn hoá thế giới” mà còn là tượng trưng thể hiện chủ nghĩa nhân văn cao đẹp của thời đại. Cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo để học tập, rèn luyện, phấn đấu.
Vâng, Bác là một người Việt Nam bình dị mà vĩ đại, Người sinh ra từ xứ Nghệ nghèo khổ, sống những ngày đau buồn ở xứ Huế, vì yêu nước thương dân mà Người đã bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước, cứu dân. Bác đã trực tiếp sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi. Bác kiên quyết lãnh đạo nhân dân ta xây dựng Chủ nghĩa xã hội, chiến đấu chống đế quốc Mỹ giành thắng lợi và thống nhất đất nước. Đưa bắc nam xum họp một nhà. Bác dành muôn vàn tình yêu thương cho tất cả mọi người, đặc biệt là các thiếu niên nhi đồng.
Xin hãy cùng nhau lật từng trang sử để lòng ta được theo dấu chân Bác.
“Bác đi ...đâu cũng nghe chân bước
Như gió Xuân về, đất nở hoa”
Kính thưa Các bậc phụ huynh! Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các em!
Ở phần I cuốn sách gồm 6 câu chuyện nhỏ kể về gia đình và thời thơ ấu, về một xã hội Việt Nam đang chìm trong đêm dài nô lệ.
Với tựa đề: “ Tuổi thơ trên quê hương...”
Chắc hẳn ai đã từng về quê Bác, thì không thể nào quên chiếc võng buông chùng trong căn nhà lá đơn sơ, lặng lẽ bên gốc mít già, như vật chứng một thời lưu giữ tuổi ấu thơ của Nguyễn Sinh Cung. Dường như chiếc võng ấy vẫn còn dấu tay người mẹ - bà Hoàng Thị Loan...
Với lời ru của mẹ bên chiếc võng đơn sơ, bình dị đã thắp sáng trong tâm hồn Bác ngọn lửa yêu quê hương, đất nước và lời ru ấy sẽ theo Người cả cuộc đời vì nước, vì dân !
Nhưng vì ước mơ đỗ đạt của cha là Nguyễn Sinh Sắc, nên Người phải rời xa làng Sen, núi Chung để cùng gia đình vào Huế, như phần II của sách đã viết: xứ Huế và những kỷ niệm đau buồn.
Người buồn vì phải mất mẹ lúc 11 tuổi... thời khắc ấy bầu trời Huế ảm đạm, u sầu.
Mấy năm sau, vào năm 1906, Người lại theo cha trở lại Huế với tên gọi Nguyễn Tất Thành. Tất Thành cùng anh trai vào trường Quốc học. Ở đó Người đã sớm bộc lộ: một trí tuệ lớn, một nghị lực lớn, một tâm hồn nhạy cảm và luôn day dứt vì nỗi đau của người dân mất nước. Năm 1908 Nguyễn Tất Thành đã phải giã từ tuổi học trò ngắn ngủi của mình.
Ngày 5/6/1911 tại bến cảng nhà Rồng – Sài Gòn, Người ra đi tìm đường cứu nước, đây là nội dung của phần III của cuốn sách.
Đến với phần IV của cuốn sách có tựa đề“ 30 năm của một cuộc đời cách mạng”chúng ta vô cùng xúc động khi đọc về những tháng ngày gian truân mà Bác đã trãi qua ở các phương trời châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, đã đến với bao lớp người nô lệ, cuối cùng Người đã tìm thấy và đến với Chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Một ngày tháng 7/1920, tại căn phòng nhỏ ở Pari, Anh Nguyễn phát khóc và reo lên như đang nói với đồng bào mình:
“ Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ, Đây là cái cần thiết cho chúng ta, Đây là con đường giải phóng chúng ta !”.Và Người đã mang tên Nguyễn Ái Quốc.
Với phần V : “Trở về giải phóng Tổ Quốc”
Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và để đảm bảo bí mật, các đồng chí đã bố trí cho Bác ở hang Pắc Pó, cuộc sống rất gian khổ, nhưng Bác vẫn lạc quan, yêu đời.
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Bác Hồ đã đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
“Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không có ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Quân và dân ta đã đứng lên đánh đuổi thực dân pháp ở khắp nơi. Với chín năm trường kỳ kháng chiến đánh thực dân Pháp, ngày 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm chấn động địa cầu, đã kết thúc 80 năm xâm lược của thực dân Pháp.
Nhưng nước ta tạm thời lại bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đó là nội dung của phần VI, bộc lộ với tinh thần thép của Bác và của toàn dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Đến với phần VII có tựa đề: “Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa”.
Vâng, tinh thần thép của Bác là vậy, lời kêu gọi của Bác là vậy!. Cả dân tộc cùng lên đường đánh Mỹ. Lòng nhân ái của Bác bao la: “quê hương nghĩa nặng tình sâu”, “miền Nam trong trái tim tôi”… đó là tựa đề của các câu chuyện trong phần này.
“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế!
Ôm cả non sông mọi kíếp người”
Tình yêu thương của Bác Hồ mênh mông như biển cả, Bác luôn suy nghĩ và lo lắng cho dân tộc, đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng… “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” bài hát ấy chúng em vẫn luôn hát để mãi nhớ đến Người.
Kính thưa Các bậc phụ huynh! Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các em!
“Vào hồi 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969. Bác Hồ kính yêu đã về với cõi vĩnh hằng. Cả nước lặng buồn, giả biệt người cha muôn vàn kính yêu…”
Bác Hồ đã đi xa nhưng di sản của Người để lại thật đồ sộ và vô giá, trước hết đó là các giá trị đạo đức, tinh thần. Là tấm gương sáng cho lớp lớp con cháu học tập và noi theo. Đó là cả cuộc đời hy sinh vì nước vì dân, vì hạnh phúc của đồng bào. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, đạo đức mới.
Noi gương Bác Hồ, trước hết chúng ta học tập đạo đức của Người, học tập những phẩm chất tốt đẹp trong cuộc sống của Người, trong quan hệ gia đình, trong cách đối nhân xử thế ngoài xã hội, trong hành động, ý chí đấu tranh thực hiện lý tưởng cách mạng mà Người đã phấn đấu suốt đời giành cho. Tấm gương đạo đức và nội dung tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh rất rộng lớn, song có thể quy tụ vào một số điểm là:
* Thứ nhất: “Đạo đức về lòng trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân, thể hiện ở cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và tiến bộ xã hội; nổi bật là lòng yêu nước thương dân của Bác”.
*Thứ hai: Đạo đức cách mạng của người là suốt đời phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, của dân tộc, suốt đời hy sinh cho Đảng, cho cách mạng.
*Thứ ba: Đạo đức của một người lao động mới để xây dựng CNXH, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
*Thứ tư: Đạo đức Hồ Chí Minh nổi bật với chủ nghĩa nhân văn mà cốt lõi là lòng thương người, lòng nhân ái, là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Tạo nên tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.
*Thứ năm: Hồ Chí Minh còn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của cá nhân, của 1 người Việt Nam, rất Việt Nam, dù sống 30 năm xa nước.
Những phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp của Bác Hồ là cơ sở quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ: Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại; đặc biệt trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập.
Kính thưa Các bậc phụ huynh! Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các em!
Để xứng đáng với lòng mong muốn của Bác Hồ, của Tổ Quốc Việt Nam yêu quý. Chúng ta đang ra sức thi đua học tập, rèn luyện đạo đức và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là chủ nhân tương lai của nước Việt Nam anh hùng và tươi đẹp như lòng mong muốn của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không? Chính là nhờ 1 phần lớn ở công học tập của các em”.
Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã công nhận Bác Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Sau khi chúng ta đọc xong tập sách “Bác Hồ kính yêu của chúng em”, chúng ta vô cùng tự hào là Việt Nam có Bác Hồ, dân tộc Việt Nam biết ơn Bác, nhân dân lao động trên thế giới nhớ ơn Người.
Giờ đây ngày ngày trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, từng đoàn người từ khắp bốn phương lặng lẽ kính cẩn viếng thăm chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thẩy
Như dòng sông chảy, nặng phù sa”
Vâng! Mỗi học sinh chúng ta đều có những ước mơ về một tương lai tươi đẹp và điều đó là có thể thực hiện được; bởi chúng ta đang được sống trong tình yêu thương của gia đình, của nhà trường và xã hội; bởi hành trang mà chúng ta vào đời là những giá trị đạo đức mà Bác Hồ kính yêu đã để lại.
Chúng ta hãy làm giàu vốn hiểu biết của mình bằng cách dành thời gian để đọc sách. Sách là một món quà kì diệu vô giá mà con người sáng tạo ra nhằm phục vụ cuộc sống của mình Chúng ta thử hình dung cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu những cuốn sách. Nó sẽ buồn tẻ và hụt hẫng biết chừng nào nếu thiếu sách. Đã từ lâu con người coi sách là nguồn tri thức vô tận, là người bạn tốt có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau đến thư viện, để tìm đọc tập sách :“Bác Hồ kính yêu của chúng em”do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành vào năm 2007 nhé.!
Phần tuyên truyền và giới thiệu sách của liên đội đến đây là hết.
Xin trân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các bậc phụ huynh, các thầy cô và các em.