Nhân dân Việt Nam ta có truyền thống hiếu học. Đó đã được coi là một nét văn hóa đầy tự hào của mỗi người dân đất Việt. Phát huy truyền thống hiếu học, khơi dậy phong trào học tập mạnh mẽ của cả dân tộc trong giai đoạn hiện nay, ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” . Hòa trong không khí thi đua sôi nổi của cả nước nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của giáo dục nói chung, của nhà trường nói riêng, cô giáo Phạm Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Liệt đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của nhà trường, với bề dày thành tích 23 năm liền đạt danh hiệu Trường Tiên tiến Xuất sắc cấp Thành phố, được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất, thầy trò Trường Tiểu học Phương Liệt tích cực tham gia phong trào thi đua với các hoạt động thiết thực, nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục. Hiểu sâu sắc tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập, đối với nhà trường cô giáo Thanh Huyền đã có nhiều hoạt động sáng tạo chú trọng quá trình tạo ra một môi trường giáo dục tích cực và hỗ trợ, nơi mà mọi thành viên của nhà trường từ cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh đều có cơ hội, nguồn lực để học tập, phát triển tốt nhất. Đây là hoạt động nhân văn, khi tạo ra một không gian giáo dục mà mọi người cảm thấy an toàn, tôn trọng và được khuyến khích để thể hiện bản thân, tìm kiếm kiến thức và phát triển kỹ năng. Kết hợp nhiều yếu tố, đến nay, ý thức học tập đã và đang thấm sâu vào mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh của nhà trường. Người đi đầu, tiên phong trong phong trào ấy là cô giáo Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường với các hoạt động sáng tạo. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trong giáo viên, học sinh, phụ huynh. Ngay khi bước vào năm học, trong bài phát biểu phát động phong trào học tập trước toàn trường, cô giáo nhấn mạnh: “Hiện nay học tập là chìa khóa mở cửa của thế kỉ XXI. Trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi mọi người có hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao với mọi tình huống. Và học tập cần đáp ứng xu thế thời đại như UNESCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình"”. Cô đã kể về tấm gương tự học tiêu biểu của nước ta là Bác Hồ, người nói được 29 thứ tiếng. Ngoài các ngoại ngữ phổ biến như Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Bác Hồ còn thông thạo nhiều ngoại ngữ khác như: tiếng Thái, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, ... Vốn ngoại ngữ đó của Bác tất cả đều xuất phát từ việc tự học. Câu chuyện khiến học sinh trầm trồ, ngưỡng mộ vị cha già kính yêu và tự nhủ cố gắng học tập nhiều hơn. Hay câu chuyện về chính bản thân cô giáo Thanh Huyền khi còn là giáo viên hay với cương vị là Hiệu trưởng, cô vẫn miệt mài tham gia các lớp học luyện viết chữ thư pháp, tham gia các khóa học về công nghệ thông tin, về phương pháp dạy học, ... Dù là trực tiếp hay trực tuyến, cô đều tham gia tích cực. Cô giáo kể chuyện với những lời tâm tình và nhấn mạnh vì sao cần học? Học cho ai? đã truyền cảm hứng cho các con học sinh cũng như thầy cô giáo trong trường. Các con học sinh ngạc nhiên, hỏi: “Cô Huyền là Hiệu trưởng mà vẫn học ư ?”. Quả thật, với học trò, cách để thúc đẩy các em học tập thì người lớn, thầy cô, cha mẹ chính là tấm gương. Bản thân cô Huyền là một tấm gương ham học hỏi, có chuyên môn xuất sắc. Cô đã 3 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Năm học 2022- 2023 cô được khen thưởng Quản lí giỏi cấp Quận; Chiến sĩ thi đua cơ sở. Liên tục nhận Bằng khen của BCH đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội: Đã có thành tích trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi thủ đô. Đạt danh hiệu Người tốt việc tốt cấp Thành phố năm 2022. Cô Huyền cũng như mỗi thầy cô giáo trong trường đều là những tấm gương tự học tiêu biểu.
Thứ hai, cô Huyền chủ động, tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa về cơ sở vật chất, tinh thần, đảm bảo rằng giáo viên có đủ nguồn lực về vật chất, thời gian để thực hiện công việc cũng như học tập. Đó là 04 chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin do thầy Bùi Duy Phương giảng dạy. Nhờ vậy thầy cô ngày càng vững vàng hơn trong chuyên môn, giúp thầy cô tự tin, thỏa sức sáng tạo trong công tác giảng dạy, đáp ứng được yêu cầu của người giáo viên thời đại 4.0, thời đại của công nghệ AI, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó là chuỗi các khóa học vận dụng phương pháp dạy học tích cực, dạy học phát triển năng lực, thấu hiểu để yêu thương, đánh thức sứ mệnh người thầy của Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc giảng dạy đáp ứng yêu cầu đối với người giáo viên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp nối các hoạt động trên, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, cô Huyền đã mời nguyên Viện trưởng viện văn hóa Giáo dục, PGS.TS. Nguyễn Cao Thắng về chia nói chuyện về ứng xử, văn hóa trong trường học hay chuyên đề của các chuyên gia tâm lí, quản trị cảm xúc, giọng nói. Ngoài ra cô đã tham mưu với Phòng giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên Cầu Giấy và Trường Đại học Thủ đô tổ chức cho giáo viên học chương trình giáo dục Stem, giáo dục kĩ năng sống dành cho giáo viên bằng nguồn kinh phí của nhà trường. Hiện nay 100% giáo viên trong trường đã được cấp Chứng chỉ dạy học Stem, dạy kĩ năng sống. Bản thân 3 đồng chí trong BGH cũng tham gia học đầy đủ và được cấp chứng chỉ như giáo viên chúng tôi. Dù không trực tiếp giảng dạy hai môn này song các đồng chí vẫn tham gia học để hỗ trợ chuyên môn cho thầy cô trong trường. Những chương trình đó có ý nghĩa thiết thực trong công tác chủ nhiệm, giảng dạy của giáo viên. Nhờ sự ham học hỏi của thầy cô, sự cổ vũ, tạo mọi điều kiện của đồng chí Hiệu trưởng, kết thúc học kì I năm học 2023- 2024, thầy cô giáo có những thành tích rực rỡ: Thi thiết kế bài giảng Stem, Elearning cấp Quận đạt 3 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba. Thi CNTT cấp Quận đạt 1 giải Nhất; 1 giải Nhì. Đồng chí nhân viên thư viện được chọn thi cấp Thành phố. Có 41 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp trường. Thi giáo viên dạy giỏi cấp Quận đợt 1: 01 cô giáo đạt giải Nhì, 02 cô giáo đạt giải Ba. Đó là những thành tích đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, tinh thần ham học của tập thể giáo viên toàn trường, đồng thời có sự chỉ đạo, định hướng, thể hiện sự sáng tạo của người đứng đầu nhà trường. Việc tổ chức cho giáo viên đi học các lớp đào tạo chất lượng từ rất sớm như vậy thể hiện tầm nhìn của cô giáo Thanh Huyền trong công tác chuẩn bị đội ngũ chất lượng, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay. Thiết nghĩ, điều này không phải lãnh đạo trường nào cũng thực hiện được và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong tư duy của cô giáo
Huyền.
Thứ ba, cô Huyền luôn kịp thời tuyên dương, khen thưởng, động viên, vinh danh những tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu trong học tập. Việc làm này thực hiện thường xuyên và được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ, được thông qua Hội nghi cán bộ viên chức đầu năm học. Nhờ đó, tinh thần tự học của các thầy cô giáo tích cực, sôi nổi. Điển hình như cô giáo Hồng Điệp, cô Phan Thị Hạnh, cô Vân Hoài, cô Phương Hà, cô Khuyên, cô Phương, cô Thu Ngân, cô Ngọc Linh hay cá nhân tôi cũng được cộng hưởng từ phong trào tự học của thầy cô trong trường nên ngoài các khóa học do các cấp tổ chức, chúng tôi còn tự mình tham gia các khóa học khác để nâng cao trình độ chuyên môn. Mới đây nhất là chuỗi các buổi học với chủ đề Giáo viên trong thời đại số của Chương trình dạy học tập huấn về ứng dụng cộng nghệ AI, chat GPT trong giảng dạy. Dù là buổi tối, các cô vẫn miệt mài học tập.
Bên cạnh đó, hiệu ứng học tập, thi đua đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập còn lan sang gia đình cán bộ giáo viên nhà trường. Nhiều gia đình có con cái đỗ đạt vào các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế. Như con cô Kiều Anh, cô Minh Vang, cô Khánh Phượng, cô Trần Tuyết, cô Hồng Điệp, ... Bản thân cô Huyền có hai con gái lớn đều học đại học, đi làm, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Thứ tư, cô giáo Thanh Huyền đã luôn hỗ trợ những học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thuận lợi để học tập. Các hoạt động thông qua những việc cụ thể. Đầu năm học 2023 - 2024, nhà trường duyệt miễn giảm cho 09 học sinh có HCKK, 11 HS khuyết tật, tặng thẻ bảo hiểm thân thể, đồng phục, SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật; quà cho học sinh đó vào các dịp lễ, Tết: tổng số tiền là 101 407 000 đồng.
Phối hợp với Hội Khuyến học, Chữ thập đỏ, Hội đồng đội quận làm hồ sơ cứu trợ nhân đạo
cho 25 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường tổng số tiền
16 500 000 đồng. Một thực tế, ngày nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khá, số lượng các em học sinh yếu thế hơn về thể chất, trí tuệ ngày càng tăng. Cô
Huyền nhớ hết tên, hoàn cảnh, tình trạng thể chất, bệnh lí, tâm lí, hoàn cảnh gia đình của từng em học sinh ấy. Thường xuyên gặp gỡ gia đình, trò chuyện, hỗ trợ tâm lí cho cả học sinh lẫn phụ huynh được cô lặp lại nhiều lần. Khi chia sẻ với cô Huyền, cha mẹ như được san sẻ nỗi lo, xoa dịu bớt những nhọc nhằn. Bên cạnh các hoạt động ấy, cá nhân cô Hiệu trưởng còn đi đầu trong đóng góp vào các quỹ nhân đạo, từ thiện của trường, của địa phương. Mỗi đợt các cấp, các ngành, hay chính quyền địa phương nơi cư trú phát động các phong trào ủng hộ, cô đều tham gia tích cực. Lần thì 500, lần thì 1 triệu, lần thì 2 triệu, ... Đơn cử vào tháng 9/2023, tham gia hỗ trợ xoa dịu nỗi đau những nhạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại chung cư Khương Đình, cô đã góp hỗ trợ hơn 5 triệu đồng. Tính ra, số tiền mỗi năm tham gia ủng hộ, cá nhân cô góp lên tới hơn 10 triệu đồng. Con số ấy duy trì đều đặn qua hàng năm. Và năm 2023, tại khu dân cư, cô cùng gia đình được địa phương tuyên dương, khen thưởng là gia đình tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Cô cứ âm thầm, khiêm nhường gieo hạt yêu thương như vậy khiến chúng tôi tin yêu cô hơn.
Hoạt động ý nghĩa của cô Huyền còn lan tỏa đến cô giáo, các em học sinh, phụ huynh. Với mong muốn cùng chung tay hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em nhỏ có người thân là nạn nhân chất độc màu
da cam giúp các em ấm áp hơn khi trường, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, cô trò lớp 4A5 dưới sự hỗ trợ của cha mẹ đã thực hiện thành công dự án Lì xì yêu thương. Các em tự thiết kế lì xì, nhờ bố mẹ in ấn rồi cùng truyền thông để bán. Kết thúc dự án, các em bán được 14 000 chiếc lì xì, thu lãi hơn 6 triệu đồng. Toàn bộ số tiền lãi đó, các em mua quà hỗ trợ em Hờ A Pó cùng 28 bạn nhỏ cùng lớp ở Điện Biên. Đồng thời mua quần áo ấm đến thăm, tặng các bạn cùng 5 nạn nhân phơi nhiễm chất độc màu da cam tại Phường Phương Liệt. Việc làm của các em tuy nhỏ song cũng đã thể hiện rằng các em ý thức vai trò của việc tiếp tục được đến trường có ý nghĩa lớn với học sinh. Và đã góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học trong các bạn nhỏ ấy. Mỗi việc làm của cô Huyền cùng thầy, trò dù nhỏ thôi cũng đã phần nào giúp cho cuộc sống của các em học sinh tốt đẹp hơn. Đúng như cô quan niệm: trao yêu thương để đổi lấy hi vọng, thắp sáng thêm tương lai tốt đẹp hơn. Đồng thời việc làm ấy cũng thể hiện rõ học sinh trong trường không em nào bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm, cô Thanh Huyền tập trung xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt với việc tạo ra hệ thống học liệu mở phong phú, chất lượng, để học sinh có thể giam gia tự học mọi lúc, mọi nơi. Bạn đọc truy cập vào link: https://thphuongliettx.thuvien.edu.vn/index.aspx
sẽ mở ra thư viện số có nội dung phong phú với hàng ngàn đầu sách như sách giấy từ sách giáo khoa, sách tham khảo các bộ, sách điện tử, sách nói, Album ảnh, video, bài giảng điện tử, ... Các hoạt động giáo dục giờ thật đơn giản, chỉ cần có kết nối internet, giáo viên có thể dễ dàng truy cập để lấy tư liệu dạy học, phục vụ công việc. Còn học sinh chỉ cần vào là tìm được kho sách quý, tài liệu học tập hay xem lại bài học thông qua các video hay bài giảng điện tử mà các cô giáo trong trường đã đưa lên hệ thống. Ngoài ra, trang thư viện cũng hỗ trợ rất nhiều cho phụ huynh học sinh khi đồng hành học tập cùng con tại nhà. Họ yên tâm đăng nhập thư viện bởi các đầu sách, các bài giảng đều đã được chính cô giáo Hiệu trưởng kiểm duyệt nội dung, chất lượng, đảm bảo tính giáo dục, khoa học và chính thống. Trang thư viện điện tử là ý tưởng được ấp ủ từ lâu của cô giáo Thanh Huyền, năm học này đã xây dựng thành công thực sự là bước đột phá sáng tạo mà tập thể giáo viên, phụ huynh nhà trường đánh giá rất cao. Và điều đó thể hiện phần nào sự tâm huyết của cô khi xây dựng xã hội học tập.
Thứ sáu, cô giáo Thanh Huyền khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong nhà trường góp phần xây dựng xã hội học tập. Trong các hoạt động học tập thì năng lực tự học là cốt lõi nhất. Muốn hình thành thói quen tự học thì cần xây dựng được thói quen tự đọc. Và để đáp ứng nhu cầu đọc sách ở mọi lúc mọi nơi cho học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh, từ lâu cô Huyền đã chú trọng đến xây dựng hệ thống thư viện.
Trước hết, đó là xây dựng phòng thư viện nhà trường thư viện chuẩn quốc gia với hàng ngàn đầu sách báo, từ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách thiếu nhi, sách khoa học, ... Đồng thời tại thư viện cũng được trang bị hệ thống máy tính để người đọc có thể tham gia đọc trực tuyến. Thư viện được thiết kế thân hiện, trang trí khoa học, sinh động, tạo không gian đọc nhẹ nhàng, thư giãn, là điểm đến hấp dẫn cho các bạn đọc trong trường. Ngoài ra, định kì nhà trường thường tổ chức Ngày hội đọc sách dưới sân trường hay tổ chức cho học sinh nghe các chuyên gia văn hóa đọc về chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách như chuyên gia Ngô Thị Hồng Anh. Tiếp đó, để đáp ứng nhu cầu đọc online, trên websize của nhà trường có mục
Thư viện được thiết kế khoa học, dễ tìm kiếm với nội dung phong phú như mục Giới thiệu sách, đọc sách cùng cô, Nghe cô kể chuyện, Kho sách truyện có nhiều câu chuyện cổ tích lí thú, truyện cười, sách thiếu nhi, ... Tất cả đều có trong link:
https://thphuongliet.pgdthanhxuan.edu.vn/thuvien-so/c/25683
Phong trào xây dựng văn hóa đọc được phát triển mạnh mẽ trong giáo viên. Điển hình như cô giáo Đỗ Thị Yến, Phó hiệu trưởng đã dày công thu âm kho truyện thiếu nhi trên kênh youtube có hàng ngàn người đăng kí và gắn link với trang web của nhà trường. Hay bản thân tôi, nhờ sự cổ vũ của cô Huyền cũng đã chủ động cùng đồng chí nhân viên thư viện mở phòng zoom cho cô, trò cùng nhau đọc sách vào cuối tuần. Văn hóa đọc được lan rộng đến các bạn học sinh, các em cùng nhau tham gia đọc sách không chỉ trong năm học mà ngay khi nghỉ hè cũng cùng nhau tham gia khóa đọc sách dành cho thọc sinh tiểu học cả nước. Song song với các kênh đọc online trên còn có Thư viện số như đã nói ở trên để hỗ trợ thầy cô, học sinh, phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đầu tư chất lượng cho thư viện chung, Thư viện điện tử, để hỗ trợ học sinh đọc sách, cô giáo Huyền đã nhân rộng mô hình tủ sách tại các lớp học. Mỗi tủ sách là một thư viện mi ni do các lớp tự xây dựng, góp sách truyện, tự bảo quản. Tủ sách tại lớp tuy nhỏ song các con thường mang sách đến góp, đổi cho nhau đọc nên luôn được bổ sung, làm mới thêm, tạo sự đa dạng các mục. Hình ảnh mỗi giờ giải lao, các bạn học sinh say sưa đọc sách tại lớp học hay bồn cây thật đẹp, nói lên phần nào văn hóa đọc, văn hóa tự học trong nhà trường.
Trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc lần III với chủ đề: “ Sách kết nối tri thức- Kiến tạo tương lai” do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội tổ chức, nhà trường có hàng trăm bạn tích cực tham gia giới thiệu, review sách với các hình thức phong phú, thể hiện hiểu biết, niềm yêu thích mỗi trang sách của các em. Em Phạm Phương Chi, học sinh lớp 4A5 vinh dự được trao tặng Giấy khen, giấy chứng nhận đạt giải Ba Thành phố vào ngày 20/11/2023 trong cuộc thi là minh chứng cho niềm say mê đọc sách của học sinh nhà trường. Thông tin cụ thể có trong link: https://urlvn.net/vl1kzki
Thứ bảy, trong quá trình thực hiện phong trào xã hội học tập, cô Huyền có cách làm hay, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là phát huy sức mạnh tổng hợp của phụ huynh. Từ đó mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Phụ huynh đã cùng chung tay với nhà trường trong các hoạt động giáo dục bằng những việc làm thiết thực như tự nguyện góp vào quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà trường, cùng nhà trường thực hiện các phong trào hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường cũng như nơi khác. Xây dựng xã hội học tập trở nên toàn diện cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nguồn quỹ này được nhà trường sử dụng hiệu quả sử dụng tuyên dương, động viên, khen thưởng tinh thần học tập cho học sinh, thầy cô giáo - một nét đẹp văn hóa, tạo nên phong trào lớn, có sức lan tỏa rộng rãi trong nhà trường.
Để xây dựng nguồn quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà trường, cô Huyền đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực, đơn giản, hiệu quả. Cá nhân tôi nghĩ cách làm ấy là kinh nghiệm quý báu cho các đơn vị học hỏi. Đó là thông qua chương trình trải nghiệm Hội chợ xuân, cô phát động phong trào làm đồ handmade để bán. Nói là làm, trong mỗi lần tổ chức hội chợ, đích thân cô Hiệu trưởng làm cùng làm đồ, đứng bán hàng cho các con. Cô giáo Hiệu trưởng thân thiện, cởi mở và tâm lí nên gian hàng của tổ Văn phòng luôn kín các con xúm xít vây quanh. Học tập cách làm của cô Huyền, cô giáo các khối đều tự làm các sản phẩm để bày bán, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành hợp lí để các con học sinh được mua sắm thỏa thích. Bên cạnh đó, các cô còn tự chế các dụng cụ để tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt đánh trống, ném vòng cổ chai, đồ chữ thư pháp để học sinh tự tô, chuẩn bị bột nặn cho các con nặn tò he, ... góp phần tạo sân chơi giáo dục nét đẹp về các trò chơi dân gian cho học sinh đồng thời góp tiền gây quỹ. Sau mỗi lần tổ chức Hội chợ xuân như vậy, số tiền lãi thu được các khối đều góp vào quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà trường. Khi tổ chức chương trình, nhiều phụ huynh biết được ý nghĩa nhân văn của hoạt động nên đã ủng hộ quỹ.
Bên cạnh đó, sau mỗi năm học, nhiều lứa học sinh trong trường tốt nghiệp, qua trò chuyện, biết được tâm nguyện xây dựng nguồn quỹ khuyến học cho các hoạt động giáo dục của nhà trường, phụ huynh và các con đều vui vẻ tặng góp vào quỹ chung. Tấm lòng nhân hậu cứ thế được tiếp nối từ người này sang người khác, từ năm này qua năm khác tạo nên bài học sâu sắc, bài học về lòng trắc ẩn, sẻ chia, về lòng biết ơn.
Ngoài ra, mỗi tuần các con học sinh toàn trường đều thu gom phế liệu là vỏ chai, vỏ lon, đồ nhựa, ... đã qua sử dụng. Hàng tuần, các em mang đến trường, tập hợp lại rồi bán. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, chung tay tái chế các sản phẩm nhựa mà còn có thêm nguồn tiền để góp vào quỹ nhân đạo, từ thiện. Số tiền tuy nhỏ song có ý nghĩa giáo dục rất cao.
Và đúng là “ Góp gió thành bão”, mỗi hoạt động một chút, qua các năm dần dần nhà trường có được nguồn quỹ để chi cho các hoạt động thiện nguyện, khuyến học tới các địa chỉ chính là các em học sinh trong trường, tại địa phương. Minh chứng rõ nét nhất cho việc sử dụng nguồn này là việc lắp màn hình led điện tử dưới sân khấu cho các con học sinh vào cuối năm học 2022- 2023 với số tiền rất lớn! Tính ra, nếu kêu gọi, chia đều thì mỗi lớp cần góp khoảng 10 triệu đồng. Sau hơn hai năm đại dịch qua đi, việc xã hội hóa số tiền lớn trên thật khó có thể thực hiện được! Ấy vậy mà cô Huyền với tầm nhìn chiến lược, cách thực hiện sáng tạo đã giúp nhà trường có thể trang bị thiết bị hiện đai này. Khi được nghe báo cáo, phụ huynh và giáo viên đều bất ngờ và thán phục cách làm hay của cô giáo Thanh Huyền. Họ ngạc nhiên, rõ ràng màn hình led này phục vụ trực tiếp hoạt động giáo dục cho học sinh với số tiền lớn mà chưa từng nghe thấy nhà trường phát động ủng hộ bao giờ! Và chính bản thân phụ huynh, giáo viên góp công, góp sức làm mà hông hề biết. Thật thú vị! Cũng từ đây, càng củng cố niềm tin của phụ huynh vào nhà trường, vào cô giáo hiệu trưởng tâm sáng, sáng tạo. Khi trang bị màn hình led lớn dưới sân trường trợ giúp cho tổ chức các hoạt trải nghiệm, sinh hoạt tập thể thuận lợi. Hình ảnh, âm thanh, các thước phim, trò chơi công nghệ rõ nét, sống động, thu hút được học sinh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động . Học kì I vừa qua, học sinh toàn trường được tham gia các tiết hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt dưới cờ với các nội dung giáo dục phong phú, đa dạng, thiết thực phù hợp các khối lớp như: Phát động Hưởng ứng "Tháng An toàn giao thông"; phong trào Thiếu nhi Thanh Xuân "Lễ phép, Thân thiện, Trung thực, Trách nhiệm", phong trào "Nói lời hay - làm việc tốt - ứng xử văn minh", giáo dục Truyền thống nhà trường, yêu Hà Nội, biết ơn thầy cô giáo, rèn nếp sống gọn gàng, ngăn nắp, tuyên truyền kĩ năng PCCC, phòng chống xâm hại, hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời”,… Tổ chức thành công hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam” cấp Quận, được UBND quận đánh giá tốt, là điển hình cho các đơn vị bạn học tập.
Cô Huyền còn có tài phát huy sức mạnh phụ huynh để họ cùng chung tay xây dựng, lan tỏa phong trào xã hội học tập, kết nối các điểm cầu hỗ trợ, đóng góp vật chất cùng tham gia. Tháng 10/2023, qua kênh thông tin từ phụ huynh, trong ánh nắng chan hòa, các em học sinh tựa đàn bướm rập rờn trong nắng, vui mừng mang sách, truyện, góp xây dựng Tủ sách hoa ban tặng các bạn học sinh điểm trường khó khăn nơi miền núi. Tình cảm của các em học sinh lớp 3, 4, 5 của nhà trường được gửi gắm qua 650 cuốn sách truyện tới điểm trường Ngòi Trườn của Trường Tiểu học 19/8 xã Minh Thanh huyện Tân Trào, Tuyên Quang. Trong chuyến đi, phụ huynh đã tự bỏ tiền trang trải thuê xe, mua loa, giá sách, cây lọc nước nóng lạnh cho các em học sinh. Những hình ảnh đẹp đẽ ấy góp phần rất lớn nuôi dưỡng, tình yêu thương của các em học sinh trong trường mà người có công đầu thắp sáng, lan tỏa là cô giáo Thanh Huyền. Đồng thời góp phần hỗ trợ trường bạn còn khó khăn có cơ hội phát triển phong trào đọc, học tập tốt hơn. Hoạt động sáng tạo này của cô giáo Thanh Huyền được ghi nhận, lan tỏa, nhân rộng cho nhiều đơn vị học tập. Và được báo Giáo dục thủ đô viết bài đưa tin. Chi tiết có trong link:
https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/traotang-tu-sach-hoa-ban-cung-nhieu-phan-quatoi-truong-tieu-hoc-19-8-tuyen-quang106249.html
Tóm lại, để phong trào xây dựng xã hội học tập được đi vào chiều sâu, cô giáo Thanh Huyền đã có nhiều hoạt động sáng tạo. Đó là thúc đẩy, khuyến khích, nhu cầu học tập của cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh trong nhà trường để họ thấy cần, hiểu tại sao cần làm, từ đó vui vẻ làm. Đồng thời cô giáo đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để đáp ứng tất cả nhu cầu học tập đó của mọi người. Hai việc này đều được cô Huyền đẩy mạnh, thực hiện đồng thời, từ đó tạo ra môi trường học tập sôi nổi, hiệu quả trong thầy, trò nhà trường.
Trong các hoạt động học tập toàn diện của nhà trường, thầy trò chúng tôi may mắn có cô giáo Thanh Huyền là cầu nối, là người truyền cảm hứng, giúp chúng tôi có thêm cơ hội để học tập nhiều hơn, đúng với tinh thần học tập suốt đời. Với cô trò chúng tôi, cô Huyền là đóa hoa đẹp, đóa hoa tận tâm, sáng tạo, là nốt nhạc yêu thương trong khúc hoan ca đất trời vào xuân trên mọi nẻo đường Tổ quốc, góp phần làm rạng danh nền giáo dục Việt Nam. Kính chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, giữ mãi ngọn lửa nghề thầy, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Hà Nội, tháng 3 năm 2024 Người viết
Luyện Thị Minh Dự